Các báo ngành Tài chính ngày 21/4/2015
**Nhiều địa phương chưa ban hành định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyến tật; **Tỷ giá VND/USD: Đã đến lúc điều chỉnh hay chưa?; **Chi phí đầu vào của máy ATM không được khấu trừ thuế; **Bỏ bảng kê hóa đơn nhưng vẫn kiểm soát được gian lận; **Buôn lậu tiếp diễn trên tuyến biên giới phía Bắc; **Từ 6/5, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế...

Thời báo Tài chính đưa tin:
Nông nghiệp Việt Nam đang đóng góp 20% GDP quốc gia: Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại Phiên khai mạc Diễn đàn “Tăng trưởng châu Á” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á tổ chức tại Indonesia, ngày 19/4/2015. Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phát biểu về kết quả 5 năm thực hiện sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” mà Việt Nam đã triển khai từ năm 2010 tại Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Thực hiện sáng kiến này, Việt Nam đã có 10.000 nông dân tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật và áp dụng các tiêu chuẩn vững bền cho một số nông sản với sự phối hợp cùng các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Netstle, Metro Cash and Cary, Syngenta, Cargill, Bunge, Pepsico… Sáng kiến này đã đạt kết quả tốt và trở thành mô hình thành công nhất trong sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn kinh tế Thế giới tại châu Á.
Xem chi tiết:
Nhiều địa phương chưa ban hành định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyến tật: Bộ Tài chính vừa gửi văn bản, đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết đã cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020. Trong đó, quy định UBND cấp tỉnh phê duyệt mức chi phí đào tạo cho từng nghề trong danh mục nghề đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, đặc thù của người khuyết tật và điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, xét duyệt quyết toán kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho người khuyết tật từ nguồn kinh phí bố trí trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề, hầu hết các địa phương chưa ban hành Quyết định phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT- BTC-BLĐTBXH.
Xem chi tiết:
Sẽ tiết giảm chi phí và thời gian qua Chương trình phát hành trái phiếu trung hạn: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa phối hợp với Ngân hàng HSBC tổ chức hội thảo phổ biến về phát hành trái phiếu quốc tế và giới thiệu Chương trình trái phiếu trung hạn của Chính phủ. Tại hội thảo, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, hiện nay và trong giai đoạn tới, nhu cầu vốn của Việt Nam cho phát triển kinh tế đòi hỏi rất lớn. Theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, bình quân mỗi năm chúng ta dành 31 đến 35% GDP cho đầu tư. Tuy nhiên, việc huy động vốn trong nước còn rất nhỏ nên rất cần tới nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong giai đoạn trước và đến nay chủ yếu là nguồn vốn ODA, chiếm khoảng trên 90%. "Đến năm 2018, Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” IDA (nước có thu nhập trung bình), nên nguồn vốn ODA sẽ không còn nữa. Tương ứng với điều đó, để huy động được nguồn vốn từ nước ngoài, thì Việt Nam sẽ phải chuyển sang hình thức vốn khác, đặc biệt là việc phát hành trái phiếu trên thị trường toàn cầu", ông Long nói.
Xem chi tiết:
Vì sao đường sắt Cát Linh-Hà Đông ‘đội’ vốn lên hơn 868 triệu USD?: Nhiều nguyên nhân được chỉ ra đã khiến dự án bị “đội” vốn lên 868,06 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhiều hạng mục về giá hợp đồng EPC, chi phí vận chuyển dầm; giá hợp đồng tư vấn giám sát thi công tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị kéo dài thời gian thực hiện, giá hạng mục đoàn tàu, thiết bị nhập khẩu... đã khiến dự án bị “đội” vốn lên 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Về vấn đề giá của hợp đồng EPC, theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, tại thời điểm ký hợp đồng EPC các bên đã vận dụng các nội dung về giá hợp đồng tạm tính và được Tổng thầu sao chép từ tổng mức đầu tư được duyệt mà không có các tính toán chi tiết khối lượng, không có đơn giá chi tiết cho từng hạng mục công trình để làm cơ sở quản lý khối lượng thi công chi tiết, cũng như cho việc tính toán điều chỉnh giá khi cần thiết.
Xem chi tiết:
Chi phí đầu vào của máy ATM không được khấu trừ thuế: Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản số 4449/BTC-TCT gửi Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và cơ quan thuế các địa phương hướng dẫn về thuế GTGT đầu vào liên quan đến máy ATM. Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) đầu vào của chi phí liên quan đến hoạt động của máy ATM. Cho ý kiến về nội dung này tại công văn số 1064/NHNN-TT ngày 25/2/2015, Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ quy định hiện hành tại Luật các tổ chức tín dụng về dịch vụ cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán, ATM là thiết bị phục vụ các giao dịch thanh toán thẻ như nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin, in sao kê tại ATM,... không có chức năng phát hành thẻ tín dụng cũng như cấp tín dụng.
Bỏ bảng kê hóa đơn nhưng vẫn kiểm soát được gian lận: Theo tin từ Tổng cục Thuế, thời gian qua, một số Cục thuế địa phương còn nghi ngại về quy định bỏ Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra sẽ khó khăn cho cơ quan Thuế trong việc kiểm tra, phát hiện sai phạm của người nộp thuế. Theo Tổng cục Thuế, cơ quan Thuế có thể kiểm tra đối chiếu về thuế GTGT được gắn liền với sổ sách kế toán, chứng từ, tài liệu chứng minh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ (khách hàng, nhà cung cấp, ngân hàng, hợp đồng, giấy phép nhập/xuất khẩu, hàng tồn kho, nợ phải trả...) không chỉ là hóa đơn bán hàng. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã cắt giảm chi phí thủ tục cho người nộp thuế thông qua việc quy định người nộp thuế không phải gửi Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra cùng hồ sơ khai thuế GTGT đến cơ quan thuế để giảm giờ khai thuế GTGT cho người nộp thuế.

Chính phủ nên quy định giới hạn, điều kiện tích hợp TTHC lên Cổng DVCQG

Từ 16/12/2016-15/10/2017: Hải quan thu NS 241,6 tỷ đồng từ chống buôn lậu

Năm 2017: 100% dịch vụ công của hải quan cung cấp trực tuyến tối thiểu mức 3

Các báo viết về Tài chính ngày 9/2/2017
