Quản lý thu thuế thương mại điện tử: Thách thức mới
(eFinance Online) - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), xu hướng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ở nước ta đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Bên cạnh hoạt động kinh doanh TMĐT trên nền tảng website thì gần đây kinh doanh TMĐT trên mobile đã bùng nổ nhanh chóng. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành Thuế trong việc quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT nói chung, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến nói riêng.

Nâng cao hiệu quả kiểm soát thu
Kinh doanh TMĐT là hoạt động kinh doanh nhưng thực hiện thông qua các phương tiện điện tử, trong đó có các hoạt động như: mua bán hàng hóa và dịch vụ qua phương tiện điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến qua phương tiện điện tử.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì Việt Nam có khoảng 140 triệu thuê bao di động, trong đó thuê bao di động 3G khoảng 32 triệu thuê bao. Đây cũng chính là tiềm năng để hoạt động TMĐT có cơ hội tăng trưởng doanh thu, tăng lợi nhuận cho nhà kinh doanh. Tuy nhiên, một trong những thách thức của ngành Thuế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện nay là việc xác định doanh thu, chi phí, thu nhập để có thể tiến hành quản lý thu đủ, thu đúng tiền thuế phát sinh đối với hoạt động này vào ngân sách nhà nước.
Đã có nhiều câu hỏi được đưa ra như: Đã có chính sách thuế áp dụng đối với kinh doanh TMĐT hay chưa? Bán hàng trên facebook có phải nộp thuế hay không? Nếu nộp thì việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp, cá nhân được thực hiện như thế nào? trường hợp nào không phải nộp thuế? Nộp như thế nào? Căn cứ vào đâu?...
Về chính sách thuế TMĐT, các quốc gia đã thống nhất một hệ thống nguyên tắc về thuế TMĐT được OECD đưa ra vào năm 1999 với quan điểm quan trọng nhất của hệ thống nguyên tắc thuế này là “nguyên tắc đánh thuế đối với thương mại truyền thống phải được áp dụng ngang bằng với TMĐT” và hiện hầu hết các nước chưa ban hành chính sách thuế riêng đối với TMĐT.
Trên phương diện quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, OECD cũng đã có những nghiên cứu, đánh giá và đưa ra một khung quản lý thuế tại mỗi quốc gia. Theo đó, OECD cho rằng, trước xu thuế phát triển của TMĐT, các nước cần tận dụng sự phát triển của công nghệ để tăng cường các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế (NNT), nâng cao năng lực trong việc tiếp cận và nhận dạng thông tin nhằm xác định những NNT thực hiện hoạt động kinh doanh TMĐT, đồng thời phải thay đổi phương thức thanh tra từ thanh tra truyền thống sang thanh tra điện tử, nâng cao hiệu quả kiểm soát thu thuế tỏng lĩnh vực TMĐT.
Tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành được điều chỉnh đối với tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả kinh doanh thương mại, quảng cáo, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giải trí...không phân biệt là thương mại truyền thống hay thương mại điện tử. Quảng cáo hàng hóa dịch vụ trên báo viết, báo hình, báo nói hay quảng cáo trực tuyến...
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế, khi bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đăng ký thuế: thực hiện kê khai những thông tin của doanh nghiệp hoặc cá nhân theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước.
Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế, được cấp mã số thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nay mở rộng thêm hoạt động kinh doanh TMĐT thì chỉ cần khai bổ sung thông tin với cơ quan thuế.
Trường hợp các tổ chức, các nhân nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam , không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp các dịch vụ quảng cáo trực tuyến qua hệ thống các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử… cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh mua dịch vụ của phía nước ngoài tại Việt Nam phải ký hợp đồng với phía nước ngoài, khấu trừ và nộp thuế thay cho Nhà thầu nước ngoài, thực hiện nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam. Bên Việt Nam mua dịch vụ của nước ngoài cũng có trách nhiệm đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thay thuế cho phía nước ngoài, trong phạm vi 20 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng.
Việc thực hiện nghĩa vụ cho trường hợp này được áp dụng theo Thông tư số 103/2014/TT- BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính “hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam” và các văn bản quy phạm pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế. Theo đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, trò chơi điện tử trực tuyến, quảng cáo trực tuyến; nộp thuế giá trị giá tăng theo phương pháp khấu trừ thuế thì theo chế độ hiện hành; doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT cơ bản theo thuế suất 10% và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất là 20%.
Đối với cá nhân kinh doanh (không thành lập doanh nghiệp) có hoạt động kinh doanh thương mại, bán hàng qua mạng thì thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng; nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ quy định trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ. Cụ thể, đối với bán hàng hóa qua mạng xã hội, các hình thứ bán hàng trực tuyến… cá nhân phải nộp thuế GTGT theo thuế suất 1% và thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất 0.5% trên doanh thu bán hàng. Nhưng việc thu thuế chỉ áp dụng với các cá nhân có mức doanh thu bán hàng trên 100 triệu đồng năm, trường hợp trong năm, cá nhân có mức doanh thu không quá 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân.
Các quy định về nghĩa vụ thuế trên, được hướng dẫn chung cho tất cả các đối tượng nộp thuế, các hàng hóa dịch vụ kinh doanh nói chung cho cả tổ chức cá nhân trong nước, nước ngoài có phát sinh nghĩa vụ thuế mà chưa có văn bản hướng dẫn thật cụ thể cho các hoạt động đặc thù trong quản lý, kê khai, thu nộp, quản lý thuế riêng cho hoạt động kinh doanh TMĐT, quảng cáo trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT... nên trong thực tế còn gặp khó khăn, buông lỏng. Đơn cử như trang mạng xã hội facebook cũng có hàng ngàn gian quảng cáo, bán hàng… Không chỉ Google, Yahoo… mà các trang báo điện tử của Việt Nam có lượt người truy cập đông đều tràn ngập quảng cáo bán hàng hóa dịch vụ, quảng cáo … Nhưng tiền thuế trong hoạt động này đã thu được bao nhiêu?
Quản lý thế nào?
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế nhìn nhận, môi trường giao dịch qua TMĐT không những dễ tạo điều kiện cho tình trạng trốn thuế, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển mà còn tạo ra môi trường không công bằng, bình đẳng với những doanh nghiệp khác. Do những giao dịch dạng này không bị đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế nhập khẩu...
Bên cạnh quan hệ kinh doanh cá nhân với cá nhân qua mạng, các giao dịch giữa doanh nghiệp với cá nhân như quảng cáo qua Amazon, Google... sẽ phải chịu thuế đầy đủ, phải thực hiện kê khai và nộp thuế ở Việt Nam.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, trước mắt việc thu thuế các đối tượng này vẫn dựa trên cơ chế động viên họ tự kê khai giao dịch, gồm thông tin tên, địa chỉ, mã số thuế cá nhân... để nhà chức trách có cơ sở kiểm soát chặt thông tin. Còn lâu dài, ngành Thuế sẽ có đề án, tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra giải pháp công nghệ hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế.
Để nộp thuế, khâu đầu tiên là các cá nhân kinh doanh trên facebook và các trang mạng xã hôi, kinh doanh TMĐT…phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế với cơ quan thuế nơi mình đang sinh sống hoạt cư trú, làm việc. Đối với, các cơ sở kinh doanh đã có hoạt động kinh doanh thông thường, nhưng có thêm bán hàng trên mạng phải bổ sung thông tin trang mạng có hoạt động kinh doanh và các thông tin liên quan đến bán hàng qua mạng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Tuy nhiên theo ông Minh, khác với các mô hình truyền thống, kinh doanh qua mạng internet hiện rất phức tạp, khó chứng minh được việc một cá nhân "mở cửa hàng" trên mạng xã hội nhằm mục đích kinh doanh, hay tư vấn, tiếp thị sản phẩm đơn thuần... Khó khăn này không chỉ riêng Việt Nam gặp phải, mà các quốc gia có giao dịch xuyên biên giới cũng đang đau đầu đối diện, tìm giải pháp.
Tại Nhật Bản, cơ quan thuế nước này đang truy tìm những NNT không kê khai bằng việc thu thập và phân tích mọi dữ liệu, thông tin và dựa vào đó để tiến hành đánh thuế phù hợp. Nhật Bản yêu cầu các ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế các số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT… hoặc cho cơ quan thuế thử thực hiện mua sắm để nhận email từ người bán nhằm nhận diện họ.
Tại Hàn Quốc, cơ quan thuế quản lý nguồn thu thuế một cách hệ thống bằng việc thường xuyên thu thập dữ liệu về hoạt động mua bán của những người bán hàng trực tuyến từ nhà điều hành thị trường mở và đối chiếu, kiểm tra với nội dung tờ khai thuế của NNT. Hiện Hàn quốc đang thu thập thông tin về xu hướng phát triển TMĐT cũng như các nguồn thu từ hoạt động này từ các cơ quan liên quan như Ủy ban thương mại công bằng, thống kê về TMĐT và các gian hàng trực tuyến của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc; báo cáo của Hiệp hội quản lý gian hàng trực tuyến của Hàn Quốc và hoạt động của các thành viên trong Hiệp hội…
Tại Việt Nam, do việc đăng ký kinh doanh TMĐT liên quan đến Bộ Công Thương, nên tới đây Bộ Tài chính sẽ có cuộc họp bàn với bộ này để đưa ra những quy định cụ thể về yêu cầu kê khai, làm cơ sở tính thuế.
Bên cạnh đó, Việt Nam xác định doanh thu đến 100 triệu đồng của cá nhân kinh doanh, để được miễn thuế GTGT, TNCN cũng như xác định doanh thu nộp thuế hàng tháng, quý đối với hoạt động bán hàng qua mạng Facebook, mạng xã hội theo quy định của Luật quản lý thuế, các Luật thuế liên quan và các văn bản hướng dẫn thực hiện hiện hành. Nhưng việc xác định doanh thu, chi phí, thu nhập để có thể tiến hành quản lý thu đủ, thu đúng tiền thuế phát sinh đối với hoạt động này vào ngân sách nhà nước cũng không phải là việc đơn giản.
Trong những năm gần đây, ở nước ta đã hình thành các doanh nghiệp chuyên kinh doanh TMĐT. Các doanh nghiệp này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó số tiền nộp ngân sách lại không đáng kể. Đơn cử như tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là nơi phát triển hoạt kinh doanh TMĐT sớm nhất, có doanh thu quảng cáo, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất trong cả nước, tuy nhiên tiền thuế do doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp vào ngân sách lại không tương ứng với doanh thu thực tế. Qua công tác thanh tra theo cơ chế quản lý rủi ro, cơ quan thuế ở hai địa bàn này đã phát hiện và truy thu hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT.
Nhưng thực tế hiện nay, việc thực hiện công tác thanh tra của cơ quan thuế đang chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 13 % số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, riêng việc thanh tra trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT còn gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này đòi hỏi những yêu cầu cao hơn với so với thanh tra thuế thông thường, đòi hỏi cán bộ công chức thuế ngoài trình độ nghiệp vụ thuế chuyên sâu còn phải tinh thông tin học, ngoại ngữ, có kiến thức về các giao dịch TMĐT... Trong quá trình thanh tra, phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng có liên quan mới có thể xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán dịch vụ trên hệ thống máy tính, chủ của doanh nghiệp. Thậm chí phải có hỗ trợ của chuyên gia CNTT để phục hồi dữ liệu trong trường hợp doanh nghiệp cố tình xoá thông tin liên quan đến kinh doanh, cung ứng dịch vụ.
Tại Nhật Bản, để xử lý những người nộp thuế xóa dữ liệu giao dịch nhằm hủy chứng cứ giao dịch, nước này cũng sử dụng phần mềm khôi phục dữ liệu để khôi phục lại từ các thiết bị từ tính hoặc các đĩa cứng của các máy tính cá nhân nhằm nhận diện và khôi phục dữ liệu để tính các khoản thu nhập và để chuẩn bị trong trường hợp khiếu kiện sau này. Tuy nhiên, lãnh đạo nước này cũng thừa nhận phương pháp này rất khó triển khai.
“Dẫu biết rằng nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân đối với đất nước, mọi người phải tự giác tuân thủ pháp luật về thuế, nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách. Tuy nhiên trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT mà chúng ta chỉ chờ đợi vào sự tự giác để tuân thủ là chưa thực hiện được.” – Bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
(Nam Anh)

Năm 2021: Tổng cục Hải quan tích hợp 26 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Có thể thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với cá nhân trên Cổng DVCQG

Trái phiếu chính phủ sôi động tại thị trường sơ cấp và thứ cấp

Tập huấn sử dụng phần mềm tổng hợp quyết toán và quản lý, điều hành ngân sách
