Viễn thông Việt Nam: Gà nhà đá nhau, nguồn lực phân tán
Đua nhau cạnh tranh giành lợi thế, các doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam đã vung tay đầu tư, vì thế, nguồn lực bị phân tán, gây nên những xung đột lợi ích không đáng có.

Một thực trạng cạnh tranh giữa các DN viễn thông hiện nay khiến không ít người tỏ ra lo ngại là chính DN nhà nước cạnh tranh với DN nhà nước. Hậu quả thì chính DN phải gánh chịu. Nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra, Việt Nam khó "đấu" được với DN nước ngoài khi hội nhập.
Nặng về "đấu" nhau
Liên tiếp 3 năm qua, cuộc cạnh tranh giữa các DN Viễn thông liên tục diễn ra; thậm chí có lúc phát triển thành xung đột. Đó là cuộc chiến kết nối (cuộc gọi giữa VinaPhone và MobiFone không kết nối được với Viettel, EVN Telecom và ngược lại); cuộc chiến hạ giá cước; cuộc chiến dung lượng (có kết nối nhưng không đảm bảo nên gây nghẽn mạng). Sau đó, những mâu thuẫn kiểu như ngành điện không cho VNPT treo dây trên cột; VNPT cho rằng EVN Telecom vi phạm loại hình dịch vụ; đua nhau xây trạm thu phát sóng (BTS)...
Dù cho đến nay, Bộ Thông tin - Truyền thông luôn kêu gọi các DN đoàn kết, hợp tác; thế nhưng do lợi ích nhất thời nên cuộc đua vẫn chưa đến hồi kết. Trong số các DN mới, chỉ có Viettel tranh thủ được cơ chế giá cước rẻ hơn để vươn lên. Trong khi đó, EVN Telecom chịu nhiều sức ép. Do "sinh sau đẻ muộn", DN không được lựa chọn dải tần nên liên tiếp bị can nhiễu. Đặc biệt hơn, công nghệ tiên tiến CDMA (vùng phủ sóng rộng, dung lượng lớn) lại không được phát huy, quỹ kho số, loại hình dịch vụ cũng bị hạn chế...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguy hiểm nhất chính là cuộc chiến về đầu tư và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ông Bùi Quốc Việt - đại diện VNPT - ví dụ: Tại một toà nhà khi xây dựng, DN cung cấp dịch vụ đã khống chế nên khách hàng không thể lựa chọn nhà cung cấp khác dù chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Bên cạnh đó, không ít chuyện DN này nói xấu DN kia vi phạm đạo đức và Luật Cạnh tranh. Trong khi đó, nếu dùng chung hạ tầng, các DN có thể tiết kiệm cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng tiền đầu tư. Song vì mạnh ai người ấy làm, 6 DN là 6 hạ tầng mạng riêng biệt nên đã khiến bản thân các DN tốn kém tiền của, sức lực rất lớn trong cuộc đua này.
Lợi ít - hại nhiều
Những cuộc cạnh tranh đã mang đến thành công về mặt thị trường. Cụ thể, thế độc quyền của VNPT bị phá vỡ, khách hàng được dùng điện thoại di động với giá cước rẻ. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ cơ bản và dịch vụ gia tăng ngày càng cao mang lại những lợi ích lớn cho khách hàng...
Tuy nhiên, đã có những thiệt hại to lớn mà các DN đều thấy. Các chuyên gia phân tích: Tại nước ngoài, tài nguyên dải tần và kho số được đấu thầu và mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Tại Việt Nam, việc đấu thầu không thể thực hiện vì "toàn tiền Nhà nước cả". Bên cạnh đó, việc chạy đua đã khiến các DN tự hạn chế mình và làm giảm năng lực của DN khác trong các vấn đề doanh thu, chất lượng dịch vụ hay chiến lược dài hạn.
Đặc biệt hơn cả chính là sự phân tán về nguồn lực. Theo các chuyên gia, tất cả các DN Viễn thông hiện nay đều là DN Nhà nước, tiền đầu tư từ Nhà nước. Để đua nhau cạnh tranh giành lợi thế, các DN vung tay tiền của, sức lực của chính Nhà nước để đầu tư. Tất cả các vấn đề từ quy mô DN, con người, khả năng quản trị... đã bị xé lẻ và trở nên hết sức manh mún. Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng từng cho rằng: Cứ tình trạng này thì DN Việt Nam khó "đấu" lại được các tập đoàn lớn nước ngoài khi Việt Nam đã gia nhập WTO.
* Bộ còn khá thụ động trong xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh và chưa thực sự làm các DN hài lòng. Cần có tổ chức, hiệp hội để đảm bảo cân bằng lợi ích các thành viên. (Bùi Quốc Việt - GĐ Trung tâm Thông tin bưu điện VNPT) |
(Theo Lao Động điện tử)

Bộ Tài chính sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Bộ Tài chính xin ý kiến giảm thuế MFN đối với xăng động cơ không pha chì

Các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản

Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc lĩnh vực chứng khoán, giá, kinh phí mua vắc xin
