Việt Nam đã "ngấp nghé" rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Chúng tôi cho rằng Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hoặc đang cận kề bẫy thu nhập trung bình. Điều quan trọng không phải là tranh cãi xem Việt Nam đã rơi vào bẫy hay chưa mà Chính phủ cần bắt đầu có những hành động /quyết định cụ thể.

Đây là cảnh báo lần thứ ba liên tiếp trong năm của Giáo sư Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản khi nói về "nguy cơ" bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.
Có hay chưa việc "rơi bẫy"?
Việt Nam cũng như các nước khác khi đạt được mức thu nhập trung bình đều quan tâm đến nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình (TNTB) liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế kinh tế, năng suất lao động và năng suất tổng hợp, chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chỉ số xếp hạng toàn cầu của quốc gia…
Theo GS Ohno, bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập đạt được nhờ có nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu nhất định, mà không vượt qua được ngưỡng đó do người dân quốc gia đó không thể tự tạo ra giá trị bằng cách dựa vào sự nỗ lực của mỗi người (kỹ năng, công nghệ, tri thức, đổi mới).. Bất kỳ quốc gia nào mà người dân ở đó không tạo được giá trị gia tăng đều được coi là đã “rơi vào bẫy”. Bẫy thu nhập trung bình diễn ra khi những lợi thể của các nước chỉ ở mức trung bình. Nên có thể hình thành bẫy ở mức thu nhập thấp và mức thu nhập cao. Tăng trưởng của một đất nước không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… Nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra. Thu nhập trung bình có thể đạt được nhờ tự do hóa, hội nhập và tư nhân hóa. Nhưng để đạt được mức thu nhập cao hơn cần phải có nỗ lực chính sách mạnh mẽ nhằm tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân.
Thực tế cho thấy tăng trưởng của Việt Nam trước kia và hiện nay dường như chưa có chất lượng. Sau vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi mà đã trở thành hiện hữu cho Việt Nam. Bằng chứng là tăng trưởng của Việt Nam đang chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt của chuyển dịch cơ cấu theo đúng nghĩa, khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra. Đây không chỉ là những triệu chứng của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề của nhiều quốc gia láng giềng đã từng mắc phải. Do đó, Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để tránh bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển trở thành quốc gia có thu nhập cao trong tương lai.
"Đáng chú ý nhất tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu là do đầu tư dẫn dắt, rất ít cải thiện về năng suất, trong khi lương tăng nhanh hơn năng suất lao động. Thực tế, Nhật Bản lương tăng 9% nhưng năng suất lao động tăng hơn 10%, tăng trưởng của Việt Nam không có chất lượng như Nhật Bản, lương tăng nhưng năng suất lao động không tăng nhiều." - GS Ohno lo ngại.
Phân tích dữ liệu của 124 quốc gia từ năm 1950-2010 chỉ ra rằng, trường hợp một quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp trong 28 năm hoặc nhiều hơn; hoặc một quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao trong 14 năm hoặc nhiều hơn có nghĩa là quốc gia đó đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, theo World Bank Vietnam thì Việt Nam vừa đạt được mức thu nhập trung bình thấp, do đó, còn quá sớm để nhận định rằng Việt Nam đã mắc bẫy thu nhập trung bình.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2014, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam ông Tomoyuki Kimura khẳng định Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhẹ, đạt mức 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015 cùng với sự phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ và khu vực đồng euro và các bước tiến trong việc khắc phục những yếu kém trong hệ thống ngân hàng nội địa. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung thì triển vọng này quả là không quá tồi.
"Tuy nhiên, việc Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng tiềm năng, tức là cao hơn tăng trương do ADB dự báo còn phụ thuộc nhiều vào quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng và đầu tư công. Nếu Việt Nam không làm được điều này thì việc rơi vào bẫy thu nhập trung bình là điều chắc chắn sẽ xảy ra”. - Ông Tomoyuki Kimura khuyến cáo.
Chất lượng chính sách là chủ chốt
Việt Nam thiếu cả ý chí và khả năng để thúc đẩy công nghiệp hóa so với nhiều nước ở châu Á và châu Phi. Trong khi đó, chính sách đào tạo nghề, DNNVV và công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu. Xuất khẩu, FDI và các khu công nghiệp không có sự hỗ trợ hiệu quả. Chính sách năng suất, kaizen và đổi mới hầu như không tồn tại. Việt Nam đang ở giai đoạn cực kỳ quan trọng để lựa chọn "bứt phá" để bước qua hoặc rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
"Tạo dựng giá trị bởi con người và các doanh nghiệp Việt Nam phải được xem là mục tiêu trọng tâm. Lời khuyên của chúng tôi là nên bắt đầu bằng việc hoàn thiện chính sách đối với doanh nghiệp FDI, DN nhỏ và vừa và chính sách liên kết. Để thực hiện điều này, học hỏi kinh nghiệm chính sách quốc tế là việc làm cần thiết." - GS Ohno nhấn mạnh.
Cụ thể, hành động cần thiết để tránh bẫy thu nhập trung bình là tạo dựng nguồn lực tăng trưởng Kinh doanh, kỹ sư lành nghề, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần giải quyết những vấn đề do tăng trưởng gây ra như khoảng cách thu nhập, sự phân hóa giữa các vùng, hủy hoại môi trường, ách tắc giao thông và đô thị, bong bóng tài sản, chủ nghĩa vật chất, tham nhũng, cải cách chính trị…Quan trọng hơn là cần ổn định kinh tế vĩ mô để đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực, các cuộc khủng hoảng tài chính, bảo vệ nền kinh tế chống lại những cú sốc bên ngoài và khắc phục thiệt hại
Với các quốc gia đang phát triển hiện nay, chất lượng chính sách là nhân tố chủ chốt giúp các nước này vượt qua bẫy thu nhập trung bình chứ không phải là tài nguyên, lợi thế địa lý, FDI hay vốn ODA. Trong đó, chính sách quan trọng nhất là nâng cao năng lực của con người và doanh nghiệp. Các yếu tố khác như: cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, khung pháp lý, dòng vốn, ODA cũng quan trọng nhưng không quan trọng như yếu tố con người và doanh nghiệp. Hiện các nước đi sau có chính sách tốt đã đạt được mức thu nhập cao như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, do đó, các quốc gia đang phát triển khác cần học hỏi kinh nghiệm về chính sách. Thông qua học tập kinh nghiệm, các quốc gia có thể tự xây dựng gói chính sách phù hợp nhất với bối cảnh và điều kiện của quốc gia mình.
Một khảo sát của WB vào năm 2013 cho thấy Singapore với mức thu nhập bình quân là 54.040 $/người/năm; Đài Loan, Malaysia, Thái Lan lần lượt là 20.930$/người/năm, 10.400$/người/năm và 5.370 $/người/năm... thì mức thu nhập bình quân của Việt Nam đang là 1730 $/người/năm. Đáng chú ý, trên bảng xếp hạng Doing Business 2013, Việt Nam xếp thứ 99, song chính sách FDI theo đánh giá tại Diễn đàn Phát triển GRIPS là "thất thường, cải thiện chậm"; Trong lĩnh vực liên kết và thúc đẩy DNNVV sản xuất "Hầu như không có gì mặc dù có sự hỗ trợ của JICA/JETRO".
Nhìn sang quốc gia láng giềng Indonesia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, trong đó tăng trưởng kinh tế đều không xuất phát từ năng suất mà từ lợi thế có sẵn. Quốc gia này tuy có mức thu nhập trung bình 3.580 $/người/năm nhưng đã tụt xuống hạng 120/189 quốc gia trên bảng xếp hạng Doing Business 2013. Indonesia cũng đang rơi vào tình trạng đáng báo động khi mà dù là quốc gia thu hút FDI về sản xuất ô tô và hàng tiêu dùng song Indonesia lại không là cứ điểm sản xuất cho xuất khẩu. Không chỉ có vậy, từ năm 2000 tới 2010, tỷ lệ công nghiệp chế biến trong GDP của nước này đã giảm từ 27,7% xuống 24,8% và trong xuất khẩu từ 57,1% xuống 37,5%. Thêm vào đó, chủ nghĩa kinh tế dân tộc đang tăng khiến chính sách FDI trở nên chặt chẽ hơn thay vì mở rộng. Quan trọng hơn, Quy hoạch (BAPPENAS) và dịch vụ nhà đầu tư (BKPM) của nước ngày tuy được đánh giá là tốt, song Bộ Công nghiệp rất yếu kém và manh mún. Chính sách DNNVV & đào tạo nghề cứng nhắc, không có sự hỗ trợ cho các khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, năng suất hoặc đổi mới. Sự phân cấp khiến Chính phủ rất khó thi hành các chính sách công nghiệp trên cả nước. Indonesia đang dần mất đi dấu hiệu công nghiệp hóa và đã bước vào bẫy thu nhập trung bình gần thập kỷ nay.
Việt Nam có tiếp bước Indonesia sau vài thập kỉ nữa? Câu trả lời được giáo sư Ohno dành cho Việt Nam là: Nếu không có sự thay đổi chính sách theo hướng nâng cao chất lượng thì chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trên thực tế bẫy thu nhập trung bình tại Việt Nam đã bắt đầu.
(T.Hương)

Bộ Tài chính sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Bộ Tài chính xin ý kiến giảm thuế MFN đối với xăng động cơ không pha chì

Các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản

Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc lĩnh vực chứng khoán, giá, kinh phí mua vắc xin
