58,8 triệu người sẽ thất nghiệp trong năm 2009
Đây là con số cảnh báo mới nhất vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - cơ quan Liên Hợp Quốc hoạt động trong lĩnh vực việc làm và các vấn đề tại nơi làm việc đưa ra trong bản báo cáo Xu hướng Việc làm Toàn cầu Cập nhật Tháng 5 năm 2009 của tổ chức này.

Theo đó, số người thất nghiệp trên toàn thế giới năm 2009 có thể tăng thêm trong khoảng từ 29,4 triệu đến 58,8 triệu người. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, con số này nằm trong khoảng từ 9 triệu đến 26,3 triệu người, so với năm 2007.
Điều này có nghĩa là tổng số người thất nghiệp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể lên tới 112,2 triệu người. Thêm vào đó, số người làm các công việc được cho là dễ bị tổn thương có thể tăng thêm 52 triệu người, nâng tổng số lao động thuộc diện này lên hơn 1,1 tỷ. Bên cạnh đó, số lao động nghèo cũng có thể tăng lên một cách “cực kỳ đáng lo ngại”.
Bản báo cáo có điều chỉnh lại cả ba viễn cảnh, tuy nhiên, cũng cho biết rằng khả năng để viễn cảnh lạc quan nhất có thể xảy ra là “khá nhỏ”. Đề cập đến viễn cảnh thất nghiệp ở mức cao nhất (thêm 58,8 triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới hoặc 26,3 triệu người đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), báo cáo cho biết, con số này có thể giảm nhờ thực hiện thành công các chính sách kích cầu và các chính sách khác sẽ được thảo luận tại Hội nghị Lao động Quốc tế vào tháng 6 này.
Bản báo cáo dự báo rằng tổng số người thất nghiệp trên toàn thế giới năm 2009 có thể nằm trong khoảng từ 210 triệu đến 239 triệu người (hoặc tương đương 6,5% -7,4% lực lượng lao động). Báo cáo cho biết “con số này thể hiện số người thất nghiệp trên thế giới đang ở mức cao chưa từng có”. Điều này có nghĩa là tại Đông Á, có tổng số từ 39,6 đến 49 triệu người thất nghiệp (hoặc tương đương 4,7% - 5,8% lực lượng lao động); tại Nam Á, có từ 32,6 đến 37,1 triệu người thất nghiệp (5,0% đến 5,6%) và tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương có từ 16 đến 18 triệu người thất nghiệp (5,4% đến 6,2%).
Việc làm dễ bị tổn thương là một thách thức lớn, nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa các biện pháp bảo trợ xã hội vào trong các gói đối phó với khủng hoảng. Tại Nam Á, dự đoán số lao động làm các công việc dễ vị tổn thương sẽ tăng trong cả ba viễn cảnh, lên gần 79% lao động hoặc 493 triệu người. Tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ lao động làm các công việc dễ bị tổn thương có thể sẽ tăng tới khoảng 64,4% (182 triệu người) và Đông Á tăng tới 56,6 % hoặc 458 triệu người.
Lao động nghèo cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo viễn cảnh xấu nhất thì số lao động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sống trong các hộ gia đình với mức chi tiêu dưới 1,25 USD một người một ngày có thể sẽ tăng lên 589 triệu người, hoặc chiếm hơn 2/3 tổng số lao động thuộc diện này trên toàn cầu. Nam Á được dự báo là khu vực có số lượng lao động nghèo lớn nhất, ở mức 382 triệu người (61% lực lượng lao động).
Dự án sẽ ưu tiên xác định, đo lường và đánh giá chính xác hơn nữa đặc điểm của những trường hợp thị trường lao động Việt Nam mất cân bằng và những tác động của chúng. Điều này sẽ tạo điều kiện xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ở cấp độ vĩ mô phù hợp và cần thiết cho tăng trưởng bền vững và giảm thiểu những thất bại của thị trường lao động do sự bất cập về kỹ năng nghề.
Ông John Stewart - Điều phối viên Dự án Thị trường Lao động, Văn phòng ILO tại Việt Nam nói: “Để đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng này, việc đầu tiên chính phủ cần làm là xác định bản chất của vấn đề. Cải thiện thu thập thông tin và phân tích thông tin là đầu mối quan trọng. Mục tiêu của Dự án Thị trường Lao động là giúp Việt Nam xây dựng và cải thiện năng lực để có được một hệ thống thông tin thị trường lao động hoạt động hiệu quả, cung cấp những số liệu và đưa ra những phân tích cần thiết cho các giải pháp chính sách.”